Tổng số lượt xem trang

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

THUẬT NGỮ TIẾNG ANH TRONG ĐIỆN ẢNH – B


B

Baby spot: Gom sáng
Background light: Chiếu sáng nền.
Background music: Nhạc nền
Background: Khung cảnh đằng sau chủ thể.  
Backlighting: Ánh sáng ngược
Back-matching notes, Continuity: Rắc co
Bande inter: Băng hòa âm tiếng động và âm nhạc.  
Banned film: Phim bị cấm
Barndoor: Tấm che đèn chiếu sáng
Based on: Dựa theo (kịch bản phim dựa theo một tác phẩm nào đó)
BCU (big close-up): Cận cảnh đặc tả chi tiết.  
Beat: Điểm nhấn trong phim
Behind the sences: Hậu trường  
Best boy: Chuyên viên điện
Biographic film: Phim tiểu sử
Bird’-eye shot: Cảnh quay trên xuống.  
Black comedy: Phim bi hài kịch.
Black-and-white film: Phim có đế nhũ tương đen trắng.  
Blimp: Thiết bị âm thanh
Blockbuster: Phim bom tấn
Blow up: Phóng lớn.  
Blue screen: Kỹ thuật phông xanh dương
B-movie: Phim rẻ tiền
Board of censors, censorship: Hội đồng duyệt phim
Body double: Đóng thế cơ thể (chẳng hạn đóng thế cảnh khỏa thân, phân biệt với đóng thế hành động mà diễn viên không làm được, chẳng hạn hành động võ thuật).
Boom operator: Người điều khiển cần thu âm thanh tiếng động
Boom shot: Cú máy quay bằng thiết bị cần cẩu.
Boom: Thiết bị cần cẩu nâng hạ máy quay phim, thiết bị thu tiếng động âm thanh.  
Booster: Máy khuếch âm
Bootleg: Phim lậu
Box-office: Doanh thu bán vé.
Breakaway: Đạo cụ có thể đập vỡ
Breakdown: Phân cảnh
Bridge shot: Cảnh chuyển
Brighness: Độ sáng
Broadband: Phát sóng băng tần rộng
Broadcast: Chương trình phát sóng
Budget: Tổng kinh phí làm phim

Thứ Ba, 6 tháng 9, 2011

NSND THẾ ANH: CINÉMA LÀ CAMERA CỘNG VỚI MONTAGE


Nhà văn Nhật Tuấn                                      
Vào một sáng hè nóng bức, tôi và NSND Thế Anh bước vào một quán phở gần ngã 6 Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Ông chủ quán đang thái thịt chợt quăng con dao xuống mừng rỡ: “Trung úy Phương...trung uý Phương...”. Một tốp người quây quanh Thế Anh vồn vã hỏi han. Bữa đó chúng tôi được miễn phí hai tô đặc biệt. Tôi cười: “Cái đó là nhuận bút nhân dân, sướng hơn...Oscar đấy, ông Thế Anh ạ...”.
Vậy nhưng vào chuyện thì không được “sướng” như thế.



NT:  Thế Anh là dân lão luyện trong nghề, theo ông  có cách nào đánh giá được một phim là hay hoặc là dở?

NSND TA: Phim ảnh khác đá banh. Kết quả cuả một trận đá banh là cụ thể, không cãi được, còn phim ảnh thì có thể... cãi hăng lắm, cãi đến mức phim dở thành phim hay hoặc ngược lại. Mấy năm rồi khối phim được khen ngợi ầm ĩ, ban giám khảo bỏ phiếu cao, nhưng khi chiếu ra rạp thì khán giả lại bỏ phiếu bằng... đôi chân.

NT: Vậy làm sao nghiệm thu các bộ phim Nhà nước bỏ ra tiền tỷ?

NSND TA: Ước gì có một cái máy. Khi làm xong một bộ phim muốn coi kết quả cứ bỏ vào đó. Phim dở: nó nhè ra, bắt làm lại. Phim hay: nhấn nút nưã. Nó sẽ báo: phim chỉ làm hết bằng này tiền, đạo diễn, diễn viên, quay phim người này hay kẻ kia dở...

NT: Nếu có cái máy đó,điện ảnh nước ta có cơ may thăng tiến?

NSND TA: Chưa chắc, ví dụ ta có cái máy đó, tôi sợ rằng... khối anh phải bỏ nghề...

NT: Vậy giả dụ... ông là cái máy đó đi, xin ông OTK cho các bộ phim Việt Nam trong mấy năm gần đây...

NSND TA: Chịu thôi, việc đó cuả các ông trong Hội đồng nghệ thuật, các ban giám khảo liên hoan phim, các nhà báo VHVN. Tuy nhiên tôi chỉ xin vắn tắt: phim ta “nói bằng lời” nhiều hơn “là nói bằng hình”, rất ít chất ...cinéma.

NT: Chất cinéma? Nó là cái chất gì vậy?

NSND TA: Nôm na  là chất ‘điện ảnh” đấy. Nhưng thực khó mà nói cho thật đầy đủ về nó. Nó nằm trong kịch bản, trong đạo diễn, trong đoàn làm phim... trong tất cả những thứ gì làm nên cái gọi là tác phẩm điện ảnh.

NT: Vậy là khi đã bước chân vào làm phim thì tất cả mọi người đều phải có “chất điện ảnh”?

NSND TA: Đúng như thế đấy. Hồi tôi làm phim Điện Biên Phủ với đạo diễn người Pháp, ông Pierre Schoendoeffer, vào một buổi sáng ở trường quay, người ta phát hiện ra rằng tất cả các bộ quần áo sĩ quan Pháp đều được ủi “bóng loáng”. Ông đạo diễn nổi giận cho gọi ngay cô phục trang (cũng người Pháp) tới: “Cô có biết hôm nay quay cảnh gì không?”. Cô phục trang: “Dạ biết, hôm nay quay cảnh chiến đấu dưới hầm...” “Chiến đấu dưói hầm mà quần áo cứ như là đi dạ hội thế kia ư?”. Ông yêu cầu tất cả những ai trong đoàn làm phim đều phải sống cái cuộc sống của “Điện Biên Phủ”, vui buồn, cảm xúc với nó, ông không thể làm phim với những người có trái tim lạnh lùng, thờ ơ, thiếu chất điện ảnh như cô phục trang kia được. Và mặc cho cô khóc lóc, van xin  ông cương quyết đuổi về nước.

NT: Như vậy chất “điện ảnh” là sự hòa đồng cảm xúc với ông đạo diễn khi ông ta đang làm phim?

NSND TA: Không hẳn vậy, ở đây tôi muốn nói sự hết mình, sự say mê sự tự ý thức trách nhiệm cuả mỗi người trong tập thể làm phim. Hồi làm phim Điện Biên Phủ, sau khi tôi được nhận vai ông Cọp, ông chủ nhiệm phim nói với tôi: “Từ nay, đối với chúng tôi ông là ông hoàng...”, đạo diễn thì bảo: “Ông giúp tôi thể hiện cho hết chất nhân vật...”, sáng sáng ông đầu bếp tây hỏi tôi “hôm nay ông muốn ăn món gì?”, cô phục trang chuẩn bị trang phục cho tôi luôn luôn hỏi “mặc bộ này ông có được thoải mái không? Có gì cần ông cứ bảo với tôi xin đừng nói với ông đạo diễn...”. Trước giờ bấm máy, đạo diễn đã dùng diễn viên “chân gỗ” đê thử vai, đánh sáng, tìm vị trí hết rồi, đúng giờ hẹn, tôi  tới chỉ việc vào vai diễn. Được săn sóc tối đa, nhưng tôi vẫn hiểu rằng người ta không chỉ săn sóc Thế Anh mà chính là  o bế nhân vật trong phim của họ. Bởi vậy, tôi cũng trổ hết mức khả năng diễn xuất cuả mình. Chẳng hạn trong vai ông Cọp, một người khách buôn Hoa kiều, khi có người tới hỏi: hôm nay giá đô la là bao nhiêu. Theo kịch bản quy định, ông Cọp trả lời ngay, tôi thấy thế chưa hay, tôi đề nghị đạo diễn Schoendoefer để tôi quay vào nhà trong xổ một tràng tiếng tàu rồi mới quay ra trả lời. Đạo diễn sướng quá, OK liền.Vậy đó, cung cách làm ăn như vậy làm nên cái gọi là chất “điện ảnh” là như thế đó.

NT: Đó là làm phim với tây, thế còn với ta?

NSND TA: Với ta thì ông biết rồi, ở trong ông Chủ nhiệm phim máu “tài vụ” nhiều gấp mấy lần máu “cinéma”...

NT: Nhưng ông vẫn chưa đưa ra một định nghiã nhà nghề. Cinema là gì?

NSND TA: Là camera cộng với montage... Ông ngạc nhiên hả? Ông xem Titanic rồi chứ. Cái cảnh đắm tàu nó quay thật tuyệt. Hai nhân vật cứ từ khoang này qua khoang kia, nước chảy đuổi theo ầm ầm, tất cả sắp chìm trong làn nước tuyệt vọng... Tôi xem cứ phân vân không hiểu camera di chuyển cách nào mà họ quay được liên tục như thế. Cái đó là rất cinéma. Tất nhiên khi nói cinéma là camera tức là nói chung vừa bao gồm các thiết bị quay, vừa bao gồm các công nghệ cao trong đó vi tính đóng vai trò ngày càng lớn lao. Ông xem những cảnh chìm tàu, những cảnh hàng ngàn con người như đàn kiến bị dốc ngược theo con tàu.. .tổng số  có 400 cảnh kỹ xảo computer, tiêu phí tới 150 triệu USD. Tôi cho rằng công nghệ tin học đã tạo một gương mặt mới cho điện ảnh. Chẳng thế mà trong 11 oscar giành cho phim Titanic, người ta thấy có thiết kế kỹ thuật giỏi nhất, hình ảnh đẹp nhất, âm thanh xuất sắc nhất, phục trang đẹp nhất, nhạc nền hay nhất v....v... Nghĩa là những thứ đòi hỏi công nghệ cao, trong khi đó tác giả kịch bản, diễn viên cả chính lẫn phụ đều không được. Điều đó nói lên cái gì? Nói lên rằng xu thế mới cuả điện ảnh là kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại vượt lên trên cả kịch bản lẫn diễn viên. Tuy nhiên vai trò số một  vẫn là đạo diễn ...

NT: Vậy  ông thử hình dung người đạo diễn thời hiện đại?

NSND TA: Ông đã thấy  một anh kiến trúc sư tự xây nhà cho mình chưa? Anh ta tự vẽ kiểu nhà, nếu thích, anh ta tự thuê thợ, tự mua vật liệu và tự chỉ huy thi công... không một anh thợ láu cá, không một anh nhà thầu nào qua mắt anh ta. Đạo diễn bây giờ là như thế đấy – vưà có tài năng vưà có trí tuệ, vừa là đạo diễn vừa là nhà sản xuất phim, vừa chỉ đạo các vấn đề nghệ thuật vừa nắm vững các kỹ thuật công nghệ. Chẳng hạn như James Cameron, đạo diễn Titanics - đó là hình ảnh người đạo diễn thời nay...

NT: Ở ta hiện nay đã có các ông đó chưa?

NSND TA: Thì ông cứ nhìn vào khoảng 80 ông đạo diễn trong cả nước  mà tự trả lời.

NT: 80 ông đạo diễn? Vậy mà một năm nhà nước tài trợ có khoảng 4 hoặc 5 phim? Vậy số lớn các ông không “trúng số” kia sẽ làm gì?

NSND TA: Tôi không biết, có thể họ làm phim truyền hình...

 NT: Phim truyền hình cũng là điện ảnh?
NSND TA:                                                                                                                                                                                                                                                                                                                
NSND TA: Không phải. Ông thử hình dung ông có chụp ảnh nghệ thuật bằng chiếc máy tự động giá chừng một triệu bán đầy đường Nguyễn Huệ được không?
Không được, các nhiếp ảnh gia phải có những máy chuyên dụng giá đắt gấp vài chục lần như thế. Phim truyền hình cũng vậy. Xét các tiêu chuẩn kỹ thuật nó chưa phải là điện ảnh. Tôi chỉ lấy một thí dụ nhỏ, để lấy một cận cảnh, camera truyền hình có khi chỉ cần vài chục phút, còn trong phim nhưạ, như phim “Em bé Hà Nội’ chẳng hạn, để quay một cận cảnh của NSND Trà Giang, đạo diễn Hải Ninh  ít nhất cũng phải mất cả một tuần. Bởi lẽ cái việc tạo ánh sáng trong phim truyện nó phức tạp lắm. Kịch bản có thể ghi: nắng. Nhưng người đạo diễn phải phân tích ra: nắng sáng, nắng trưa hay nắng chiều. Nắng chiều là nắng 3 giờ hay 5 giờ... Mỗi thứ nắng đều có ánh sáng khác nhau, phản quang khác nhau... điện ảnh là như thế đấy... Thí dụ trong phim “Nổi gió” kịch bản ghi “nắng chói chang nhảy múa”, NSND Đăng Bảy đã phải  phục hàng tháng bên dòng sông để quay cho được.

NT: Thế còn chuyện diễn xuất, việc xuất thân từ trường kịch nói có cản trở ông khi làm diễn viên điện ảnh không?

NSND TA: Ngược lại, xuất thân kịch nói đã cho tôi những bài học về nội tâm sâu sắc nên đứng trước ống kính, tôi đã diễn xuất dung dị, chân thật , diễn mà là không diễn. Cái tài của diễn viên là ở chỗ bóp nát được trái tim khán giả. Nhưng diễn viên bây giờ không đi vào lòng khán giả là vì diễn hời hợt, ngoại hình, chẳng hiểu thế nào là nội tâm. Diễn kịch thường diễn cách khán giả một khoảng cách khá xa, diễn phim thì ống kính có khi gí sát vào mặt. Cho nên trong khi diễn kịch đòi hỏi khoa trương động tác lên để khán giả thấy rõ thì diễn viên điện ảnh lại phải diễn thực, như đang sống. Khi diễn phim, diễn viên kịch nói có nguy cơ mang “kịch” vào phim là điều tối kỵ vì nó làm mất chất điện ảnh.Tôi ý thức được chuyện đó nên diễn kịch là kịch, diễn phim là phim.

NT: Ông có thể cho biết một vài kinh nghiệm.

NSND TA: Tôi  biết một cô bạn khi nhận diễn một tiểu phẩm với nội dung “diễn tả tâm trạng khi nghe chồng chết”. Thoạt tiên cô ta diễn theo kiểu lăn đùng ngã ngửa, giật tóc đấm ngực than trời trách đất... Bị thất bại cay đắng, cô ta tới nhà bạn lừa bạn rằng vưà nghe tin chồng bạn bị ô tô đâm chết. Cô bạn thoạt tiên ngớ người ra đánh rơi chiếc bát đang cầm, rồi bước ra cửa ngât xỉu. Cô diễn viên sau đó diễn đúng như những phản ứng cuả cô bạn và thành công rực rỡ. Cho nên theo tôi, diễn là sống cái tâm trạng thực cuả nhân vật, muốn thế mỗi diễn viên phải như một cái camera, lúc nào cũng nhắm vào cuộc sống để quan sát, ghi nhận, nghiền ngẫm. Như tấm gương lao động nghệ thuật của nũ diễn viên Natalie Portman trong phim “Thiên nga đen” của đạo diễn Aronofsky. Oscar giành cho cô quả thật xứng đáng. Cường độ rèn luyện vũ ballet 5 tiếng một ngày suốt 10 tháng liền trước sự giám sát của các giáo viên hàng đầu trên thế giới. Như diễn viên nam giải Oscar 2010 Colin Firth trong phim The King’s speech (Vua nói lắp) đã rèn luyện để nhập vai vua nói lắp hết sức tuyệt vời. Không còn ngọn lửa sáng tạo và khám phá nữa thì coi như đời diễn xuất cuả diễn viên  đó đã kết thúc...

NT: Ở trên ông đã nói điện ảnh là camera và montage?
NSND TA: Đúng đúng, điện ảnh còn là montage tức là dựng phim nữa. Đó là sự sắp xếp, lắp ghép các trường đoạn sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Nó là sự sáng tạo lần thứ hai của đạo diễn. Nó tránh cho phim khỏi rề rà, chậm chạp, diễn tiến đơn điệu “tuần tự nhi tiến”. Theo tôi,đây là căn bệnh cố hữu của phim ta. Nhân vật đi từ nhà A sang nhà B theo đúng hành trình như ngoài đời vậy. Nào đi đường, nào gõ cửa, nào hỏi han, nào bước vào nhà, lại chào hỏi....cái đó làm giảm chất điện ảnh của phim.

NT: Thế còn sự lặp lại?

NSND TA: Ông hỏi tôi lắm thứ quá, nhưng tôi cũng đành phải trả lời cái đó trong phim ta cũng hãy còn... đậm lắm, lặp lại từ câu chuyện, từ nhân vật, cung cách dàn dựng cho tới diễn xuất. Bởi thế phần lớn phim ta chết yểu. Tôi nhớ người Pháp có một câu rất hay: “Những ý tưởng mới  trẻ mãi không  già...”

NT: Ông có tin cái mới sẽ tới từ lớp trẻ?
NSND TA: Tôi cũng hy vọng thế và tôi cũng mong nhà nước  nên  đầu tư nâng cao trình độ học vấn cho họ để có thể bắt kịp nhịp điệu hiện đại cuả điện ảnh.

NT: Thế còn các bậc đàn anh như ông,họ đang làm gì?

NSND TA: Năm rồi tôi có gặp lại đạo diễn phim Điện Biên Phủ, ông Shoendoeffer. Khi chia tay , ông bịn rịn: “Il faut que tu chantes...” – anh phải “hát” nữa lên...

NT: Và ông vẫn “hát”...
NSND TA: Như lời bài hát trong phim Titanics: “My heart will go on...”, trái tim tôi vẫn tha thiết yêu, và tất nhiên là yêu...màn bạc.

NT: Tôi có một định nghĩa về cinéma khác ông …

NSND TA: Nó ra sao?

NT: Cinéma là camera cộng với ánh sáng.

NSND  TA: “Đây chính là cốt lõi của điện ảnh. Nhưng bàn chuyện đó dài dòng lắm bởi vì không thể để phim Việt Nam cứ “trắng mặt ăn tiền” mãi.. Để dịp khác đi...”

NT: OK...dịp khác...

Chủ Nhật, 4 tháng 9, 2011

THUẬT NGỮ TIẾNG ANH TRONG ĐIỆN ẢNH – 1


Để chuẩn bị cho khóa học đạo diễn nâng cao ở Philippin vào năm sau, tôi phải học thêm tiếng Anh. Vì vậy tôi sưu tầm một số thuật ngữ điện ảnh bằng tiếng Anh, xin chép dần cho các bạn xài chung và cũng để thuộc bài luôn.

A

Academy Awards: Giải Oscar
Acting: diễn xuất.
Action film: Phim hành động
Action!: Khẩu lệnh của đạo diễn
Actor: Diễn viên
Actress: Diễn viên nữ
Ad break: Tạm dừng để phát quảng cáo
Ad: Mẩu quảng cáo
Adapt: Chuyển thể kịch bản
Adapter: Tác giả chuyển thể
Additional Photography: Cảnh quay bổ sung
Adventure film: Phim phiêu lưu mạo hiểm
Advertising: Quảng bá phim
Aerial camera: Máy quay trên không
Aerial shot: Cú máy trên cao
Aesthetic of film: Thẩm mỹ điện ảnh
Agent: Người đại diện cho đạo diễn, diễn viên…
Air: Phát sóng
Alternate scence: Cảnh xen kẽ
Amateur film: Phim của những người nghiệp dư
Amateur filmmaker: Nhà làm phim nghiệp dư
Ambient light: Ánh sáng bối cảnh nền
Ambient sound: Âm thanh bối cảnh nền
Ambient: Bối cảnh nền
Anamorphosis: Hệ thống quang học đặt trước máy quay và máy chiếu để ép, giãn hình ảnh theo chiều ngang.
Angle of view: Góc nhìn qua máy quay
Animation film: Từ này chưa biết dịch sao nhưng trong tài liệu dịch thế này tôi thấy không ổn chút nào “Quá trình chiếu liên tục những khuôn hình tĩnh để tạo ảo giác quang học là hình ảnh đang chuyển động”.
Anime: Phim hoạt hình Nhật Bản
Antagonist: Nhân vật phản diện, nhân vật gây rối
Aperture: Khẩu độ ống kính máy quay
Arc shot: Tài liệu dịch là “Cảnh quay vòng quanh chủ thể, nhân vật”, tôi không rõ là ý nói gì. Tôi nghĩ có lẽ là cảnh quay dolly.
Archive footage: Đoạn trích phim tư liệu
Archive: Tư liệu
Armorer: Người lo đạo cụ vũ khí
Art Director: Giám đốc thiết kế mỹ thuật
Art film: Phim nghệ thuật
Artistic Director: Người chỉ đạo nghệ thuật
ASA: Độ nhạy phim
Aspect Ratio: Tỉ lệ ngang và dọc của khuôn hình khi chiếu
Assistant cameraman: Phó quay, phụ quay
Asistant Director: Trợ lý đạo diễn
Asistant Editor: Trợ lý dựng phim
Audience rating: Chỉ số người đang mở một chương trình nào đó
Audience research: Nghiên cứu khán giả
Audience share: Chỉ số khán giả đang xem một chương trình nào đó
Audience: Khán giả
Audio equipment: Thiết bị âm thanh
Audio library: Thư viện âm thanh
Audio signal: Tín hiệu âm thanh
Audio: Âm thanh
Audiovisual archives: Tư liệu nghe nhìn
Audiovisual equipment: Thiết bị nghe nhìn
Audition: Diễn thử
Author: Tác giả
Author’ copyright: Quyền tác giả
Auto-dissolve: Mờ chồng tự động
Autofocus: Chỉnh nét tự động
Avant-garde film: Phim thể nghiệm
Award: Giải thưởng
Axis: Trục quay